Giải Bài Toán Khối Đa Diện Bằng Sơ Đồ Tư Duy - Ngụy Như Thái
Giải Toán Khối Đa Diện Bằng Sơ Đồ Tư Duy - Phương Pháp Của Thầy Ngụy Như Thái
Tài liệu gồm 46 trang hướng dẫn phương pháp giải toán khối đa diện bằng sơ đồ tư duy, đây là sáng kiến kinh nghiệm của thầy Ngụy Như Thái (Giáo viên trường THPT An Phước).
Thực tế giảng dạy cho thấy môn Toán học trong trường phổ thông là một trong những môn học khó, phần lớn các em học môn Toán rất yếu đặc biệt là hình học không gian. Nếu không có những bài giảng và phương pháp dạy môn Hình học phù hợp, học sinh dễ trở nên thụ động trong việc tiếp thu kiến thức. Đã xuất hiện hiện tượng một số bộ phận học sinh không muốn học Hình học, ngày càng xa rời với giá trị thực tiễn của môn học này.
Nhiều giáo viên chưa quan tâm đúng mức đối tượng giáo dục, chưa đặt ra cho mình nhiệm vụ và trách nhiệm nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp. Hiện tượng dùng đồng loạt cùng một cách dạy, một bài giảng cho nhiều lớp, nhiều thế hệ học trò vẫn còn nhiều. Điều này khiến phương pháp giảng dạy ít có tiến bộ, người giáo viên trở thành người truyền thụ tri thức một chiều, còn học sinh không chủ động trong quá trình lĩnh hội kiến thức. Hình học trở nên khô khan, khiến học sinh không còn hứng thú.
Xuất phát từ mục đích dạy – học phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, giúp các em xây dựng các kiến thức, kỹ năng, thái độ học tập cần thiết, kỹ năng tư duy, tổng kết, hệ thống lại những kiến thức, vấn đề cơ bản vừa mới lĩnh hội, sơ đồ tư duy là một công cụ hữu ích. Sơ đồ tư duy là một biểu đồ được sử dụng để thể hiện từ ngữ, ý tưởng, nhiệm vụ hay các mục được liên kết và sắp xếp tỏa tròn quanh từ khóa hay ý trung tâm.
Sơ đồ tư duy là một phương pháp đồ họa thể hiện ý tưởng và khái niệm trong các bài học mà giáo viên cần truyền đạt, làm rõ các chủ đề qua đó giúp các em hiểu rõ hơn và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống.
Để cho học sinh có hứng thú trong học tập bộ môn Hình học hơn, thầy Ngụy Như Thái đã ứng dụng phương pháp sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức chương 1 – Thể tích khối đa diện – Hình học 12.
Phương pháp này mong muốn thay đổi cách giảng dạy truyền thụ tri thức một chiều sang cách tiếp cận kiến tạo kiến thức và suy nghĩ. Sơ đồ tư duy được xây dựng theo quá trình từng bước khi người dạy và người học tương tác với nhau. Vì đây là một hoạt động vừa mang tính phân tích vừa mang tính nghệ thuật, nó làm cho học sinh gợi nhớ các kiến thức vừa mới học hoặc đã được học từ trước.
Để thực hiện được điều này, thầy luôn bám sát các nguồn tư liệu như: chuẩn kiến thức, kĩ năng; sách giáo khoa; sách giáo viên và các sách tham khảo khác. Ngoài ra còn luôn chuẩn bị một hệ thống câu hỏi và bài tập dựa trên mục tiêu của từng bài, từng chương cụ thể, giúp học sinh định hướng và nắm được kiến thức trọng tâm bài học. Thông qua đó học sinh nắm vững kiến thức cũ, lĩnh hội kiến thức mới nhanh hơn.