Hệ Thống Khái Niệm Cơ Bản Và Định Lý Hình Học THCS (Hình Học Phẳng)
Tài liệu gồm 56 trang, hệ thống các khái niệm cơ bản và định lý hình học THCS (hình học phẳng).
Đặc Điểm Chung Của Bộ Môn Hình Học:
Kiến thức về bộ môn Toán nói chung, bộ môn Hình học nói riêng được xây dựng theo một hệ thống chặt chẽ: Từ Tiên đề đến Định nghĩa các Khái niệm - Định lý - và Hệ quả.
Đối với những bài toán thông thường, học sinh chỉ cần vận dụng một vài khái niệm, định lý, hệ quả để giải.
Đối với những bài toán khó, để xác định hướng giải (cũng như để giải được) học sinh cần nắm được không những hệ thống kiến thức (lý thuyết) mà còn cần nắm chắc cả hệ thống bài tập, để vận dụng chúng vào giải bài tập mới.
Do đó để giải tốt các bài toán hình học, học sinh cần:
- Nắm chắc hệ thống kiến thức về lý thuyết.
- Nắm chắc hệ thống bài tập.
- Biết cách khai thác giả thiết nhằm đọc hết những thông tin tiềm ẩn trong giả thiết, nắm chắc, nắm đầy đủ cái ta có, suy ra cái ta sẽ có (càng nhiều càng tốt). Từ đó giúp ta xây dựng hướng giải, vẽ được đường phụ cũng như giúp ta có thể giải được bài toán bằng nhiều cách. Nội dung ở cột Hình vẽ, khai thác ở bảng tổng hợp dưới đây nhằm giúp học sinh tập dượt suy ra cái ta sẽ có ở nội dung "Nếu có ….. Ta có ….."
- Biết cách tìm hiểu câu hỏi (kết luận):
- Nắm chắc các phương pháp chứng minh từng dạng toán (trong đó cần hết sức lưu ý định nghĩa các khái niệm).
- Biết đưa bài toán về trường hợp tương tự.
- Nắm được ý nghĩa của câu hỏi để có thể chuyển sang dạng tương đương. Ví dụ để chứng minh biểu thức M không phụ thuộc vị trí của cát tuyến d khi d quay quanh điểm O ta cần chứng minh M = hằng số.
Tài liệu này tổng hợp, hệ thống các khái niệm và định lý (trong phần hình học phẳng) trong chương trình hình học trung học cơ sở bằng cách tổng hợp tất cả các khái niệm, định lý (liên quan đến từng khái niệm) về một mối.
Trên cơ sở đó giúp học sinh ôn tập một cách tổng hợp các khái niệm, định lý để vận dụng vào giải toán.
Đề nghị các trường triển khai đến học sinh, giáo viên để nghiên cứu vận dụng.
Các khái niệm, định lý trong tài liệu này được chia ra các phần chính như sau:
- ĐƯỜNG THẲNG – ĐOẠN THẲNG – TIA – GÓC – QUAN HỆ GIỮA ĐƯỜNG VUÔNG GÓC VÀ ĐƯỜNG XIÊN, ĐƯỜNG XIÊN VÀ HÌNH CHIẾU.
- TAM GIÁC – TAM GIÁC CÂN – TAM GIÁC VUÔNG – TAM GIÁC VUÔNG CÂN – TAM GIÁC ĐỀU.
- TỨ GIÁC – HÌNH THANG – HÌNH BÌNH HÀNH – HÌNH CHỮ NHẬT – HÌNH THOI – HÌNH VUÔNG – ĐA GIÁC.
- ĐƯỜNG TRÒN.
Nội dung tài liệu được thiết kế theo dạng bảng gồm 4 cột:
- Khái niệm: Nêu tên khái niệm. Trong từng khái niệm có ghi chú khái niệm đó được học ở khối lớp nào trong chương trình hình học THCS để học sinh vận dụng phù hợp với khối lớp đang học.
- Nội dung: Nêu định nghĩa khái niệm, các định lý, nhận xét liên quan đến khái niệm đó.
- Hình vẽ – Khai thác:
- Hình vẽ minh họa.
- Giúp học sinh tìm tòi, khai thác dưới dạng "Nếu có ….. thì ta có 1) – 2) – 3) …" để tăng thêm dữ liệu phục vụ cho giải bài toán liên quan đến khái niệm đó.
- Cách chứng minh: Nêu các cách chứng minh hình học. Ví dụ: chứng minh hai đường thẳng song song.
Đây chỉ là tài liệu tham khảo, rất mong sự đóng góp ý kiến của đội ngũ giáo viên để Phòng Giáo dục có thể điều chỉnh, hoàn thiện tài liệu này.