Đề KSCL Toán 12 năm 2018 trường THPT số 2 An Nhơn – Bình Định lần 3 mã đề 209
Đề Kiểm Tra Chất Lượng Toán 12 lần 3 năm 2018 trường THPT số 2 An Nhơn – Bình Định mã đề 209
Đề thi thử THPT Quốc gia 2018 môn Toán này nằm trong bộ đề thi thử của trường THPT số 2 An Nhơn – Bình Định. Đề gồm 07 trang với 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Dưới đây là một số câu hỏi trong đề thi được lấy cảm hứng từ văn hóa và địa danh Bình Định:
Câu 1: Người dân Bình Định truyền nhau câu ca dao: “Muốn ăn bánh ít lá gai – Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”. Muốn ăn bánh ít lá gai thì bạn phải tìm về với xứ Tuy Phước – Bình Định. Nơi đây nổi tiếng trứ danh với món bánh nghe cái tên khá lạ lẫm “Bánh ít lá gai” và hương vị làm say đắm lòng người. Trong một lô sản phẩm trưng bày bánh ít lá gai ở hội chợ ẩm thực huyện Tuy Phước gồm 40 chiếc bánh, 25 chiếc bánh có nhiều hạt mè và 15 chiếc bánh có ít hạt mè, một du khách muốn chọn 5 chiếc bánh, tính xác xuất để du khách đó chọn được ít nhất 2 chiếc bánh có nhiều hạt mè. (các chiếc bánh có khả năng được chọn là như nhau).
Câu 2: Du khách ghé thăm Bình Định không thể bỏ qua địa danh Tháp Bánh Ít nổi tiếng, nằm ở vị trí thấp nhất là tháp cổng cách tháp chính 100 mét. Tháp cổng được trang trí khá đơn giản nhưng lại trông vô cùng khỏe khoắn, vững chãi. Tháp có hai cửa nằm cùng một trục với tháp chính, hướng Đông – Tây để tạo nên sự hòa hợp về mặt kiến trúc và có hình dáng là một cung Parabol, hai cửa cách nhau 8 mét, có chiều cao 4 mét, lối đi rộng 1 mét thông hai cửa với nhau. Hãy tính thể tích phần không gian lối đi giới hạn giữa hai cửa.
Câu 3: Bình Định có câu ca dao: “Cưới nàng đôi nón Gò Găng – Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn”. Nói đến câu ca dao này là nói đến một làng nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi của thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định – làng nghề làm nón lá Gò Găng. Nhân kỷ niệm 10 năm được công nhận thị xã, thị xã An Nhơn lên kế hoạch làm các mô hình biểu tượng làng nghề truyền thống trên địa bàn, trong đó có mô hình chiếc nón lá Gò Găng. Chiếc nón có bán kính đáy 1 mét và chiều cao 1,5 mét; khung thép dùng làm đường tròn đáy và 10 đường nối từ đỉnh của nón đến đường tròn đáy có giá thành 40.000 đồng/mét; lá của cây lá nón Licuala Fatoua Becc dùng để làm mặt nón có giá thành 20.000 đồng/mét vuông. Hỏi kinh phí để làm chiếc nón biểu tượng này là bao nhiêu? (bỏ qua diện tích các mép nối và làm tròn đến nghìn đồng).